Xa Gần Cao Thấp

Chương 129: Bản thân chết tiệt



Bản thân chết tiệt

……

Cuối tháng 7, Viên Liễu cuối cùng cũng gặp được Du Nhậm. Du Nhậm vừa về Bách Châu đã đến thăm Viên Liễu, nói: “Tiểu Liễu, em sắp trở thành học sinh cấp hai. Ngoài việc học, em có sở thích hay sở trưởng gì khác không?”

Viên Liễu nói trước đây em biết thu tiền điện thoại, nhưng giờ đây em có thể rửa bát sạch sẽ và nhanh chóng.

Thấy vẻ mặt trầm tư của Du Nhậm, Viên Liễu tưởng rằng mình không đủ ưu tú khiến chị không vui: “Chị, em đã đọc đi đọc lại ba lần cuốn sách chị tặng em trong Tết, đây có được tính là sở trường không?”

Du Nhậm nói có, lần tới đến nhà chị, chị sẽ cho em lựa vài cuốn nữa. Em có muốn học điều gì đó mới không?

Đứa trẻ này lớn nhanh quá, Du Nhậm phải vươn thẳng tay mới chạm được lên đầu cô bé: “Khi còn nhỏ, mắt em tròn xoe đen láy, dù phải bám vào tường đi bộ cũng muốn bám từ nhà đến tận nhà chị, lại còn thích làm bài tập cùng chị.” Hôm nay Du Nhậm như một bà già đang hồi tưởng lại quá khứ, kể hết ra duyên phận giữa mình và Viên Liễu hồi nhỏ.

Lấy tay áng chừng, Du Nhậm nói ngày xưa em chỉ nhỏ thế này thôi, chị chứng kiến em cao đến tận thế này.

“Thảo nào, chị đã muốn làm cô giáo của em từ rất lâu rồi.” Trên mặt Viên Liễu toe toét nụ cười hạnh phúc: “Nhưng tại sao em không nhớ ra chị nhỉ?”

Du Nhậm gọi thêm một phần kem cho Viên Liễu: “Ký ức của con người đa phần đều mờ nhạt trước hai tuổi. Ăn đi, vừa ăn vừa nghĩ.”

Viên Liễu cảm thấy lần về nhà này của Du Nhậm khác với những lần trước, bên cạnh chị luôn ầm ĩ vì có chị Bạch, Hoài Phong Niên và chị tiến sĩ, lúc nào cũng có ai đó đi cùng chị, nhưng bây giờ trên người Du Nhậm mang lại cảm giác thật cô đơn. Viên Liễu múc nửa phần kem cho vào hộp của Du Nhậm: “Chị, em có thể tự học được, ra ngoài phải tốn tiền.”

Những điều được học chẳng là gì so với số tiền ít ỏi đó. Du Nhậm hỏi, mẹ em vẫn cho em 5 tệ tiêu vặt à?

Viên Liễu nói đã lên 10 tệ, hầu như em đều để dành, nếu không phải vì có một khoảng thời gian thường xuyên mua que cay ăn với Túc Hải, có thể đã tiết kiệm được nhiều hơn.

“Em mua cờ vây cho chị.” Viên Liễu lấy từ trong cặp ra hộp quà chuẩn bị từ lâu, cô từng nghe Du Nhậm nói về cờ vây nên đã để trong lòng, mua 200 tệ, tiết kiệm trong năm tháng.

Nhìn đôi mắt to đầy mong đợi của đứa trẻ, ánh mắt Du Nhậm khẽ lay động: “Cảm ơn Tiểu Liễu.” Sau khi bóc ra, Du Nhậm nói chị rất thích, chị cũng dạy em chơi cờ nhé.

“Chị chơi giỏi hơn, hay là chị tiến sĩ chơi giỏi hơn?” Viên Liễu tò mò không biết chị tiến sĩ đó đã đi đâu, chị ấy rất hay cười, trong giờ dạy học cũng hay nói chuyện với Túc Hải.

Du Nhậm nói chị tiến sĩ giỏi hơn. Nhưng chị ấy không chơi cờ nữa, đã cất bàn cờ chuyển đi nơi khác chơi. Viên Liễu nghe không hiểu lắm, Du Nhậm khẽ thở dài: “Làm gì có ván cờ nào kéo dài mãi mãi?”

Không hiểu vì sao, Viên Liễu có chút lo lắng trước Du Nhậm như vậy, khi chị nói chuyện luôn ngập ngừng vài giây, như đang có điều gì đó đè nặng trong lòng. Ăn xong, Viên Liễu và Du Nhậm đến công viên nơi họ chơi từ nhỏ, Viên Liễu ngồi trên xích đu, chân đã có thể chạm đất từ lâu, Du Nhậm ngồi bên kia, âu sầu dẫm lên mặt đất nhẹ nhàng đung đưa.

“Chị, chị thích cái gì?” Viên Liễu chợt hỏi.

Du Nhậm ngẩng đầu: “Hồi nhỏ chị thích đọc truyện tranh, lớn lên thì thích đọc những loại sách như tiểu thuyết kinh điển, khoa học viễn tưởng và khoa học xã hội. À, chị cũng thích lên vườn trà cùng ông bà ngoại.” Du Nhậm nói thực ra chị không có tài năng gì, chỉ thích trầm lặng đọc sách từ khi còn nhỏ thôi.

Viên Liễu cũng vung xích đu: “Em muốn học cách kiếm tiền.” Mái tóc đuôi ngựa của cô bé đung đưa theo xích đu: “Như vậy mẹ em sẽ không cần vất vả nữa, em cũng có thể đưa chị và Tiểu Hải đi ra ngoài chơi cùng nhau.”

Em chưa từng ghen tị với những bạn biết chơi piano, violin hay múa ba lê sao? Du Nhậm hỏi.

Viên Liễu nói những thứ đó đắt lắm, em cũng không có thời gian để luyện: “Chị, em đã biết cha mẹ ruột của em ở Du Trang, họ tặng em cho mẹ em.” Ý của cô bé được thể hiện trong ánh mắt nhìn sang Du Nhậm: Em không được đòi hỏi nhiều.

Du Nhậm chợt phát hiện, hoá ra đứa trẻ nhỏ cũng có vô số tâm tư ẩn giấu. Trông Viên Liễu có vẻ vui tươi, nhưng thực ra cô bé luôn thận trọng quan sát ánh nhìn xung quanh. Cô bé trút bầu tâm sự với Du Nhậm: “Chị, em sợ Lưu Mậu Tùng lại đến gây rối mẹ em. Họ đã ly hôn, nhưng Lưu Mậu Tùng vẫn đến cửa hàng một lần, lần đó ông ta không dám cướp của hay đập phá, mà chỉ mượn tiền, nói bị bệnh không có tiền mua thuốc.”

Viên Huệ Phương không cho, bị nhũng người dân trong làng thành nói sao mà keo kiệt thế. Dù sao cũng từng là vợ chồng, thấy chết không cứu thật nhẫn tâm.

“Bị bệnh gì?” Du Nhậm hỏi.

“Nói là loét dạ dày.” Viên Liễu vẫn nhớ bộ dạng Lưu Mậu Tùng chỉ vào hai mẹ con họ mà chửi bới trước khi đi: “Không cho tao sống tốt, chúng mày cứ chờ đấy.” Dẫu biết lời nói của hắn chỉ mang tính chất doạ nạt, nhưng đứa trẻ sống dưới bóng ma tâm lý từng chứng kiến cha mẹ cãi nhau nhiều năm vẫn sợ hãi.

“Buổi tối trước khi đi ngủ, em đều cẩn thận kiểm tra cửa ra vào và cửa sổ tầng trên và tầng dưới, chặn cả bàn cạnh cửa tiệm.” Viên Liễu cắn môi: “Chị ơi, tại sao họ không cần em?” Cô bé nhìn chằm chằm xuống đất, lại dẫm lên: “Là vì muốn để dành hộ khẩu để sinh ra Du Thiên Lôi à?”

Đã nhiều đêm khi Viên Liễu nhớ lại tuổi thơ của mình, cô chỉ nhớ về những bậc thang dốc ở nhà mẹ nuôi và những lần bị Lưu Mậu Tùng đánh mắng, tại sao mình không thể nhớ chi tiết về cha mẹ ruột của mình? Ngoài vòng tay ấm áp luôn dỗ mình ngủ vào buổi tối: “Đứa ba, ngoan nhé.” Chắc người đó không phải mẹ ruột Hồ Mộc Chi.

Du Nhậm nói đó là Du Quyên, chị cả của em. Chị ấy cũng cao, học hành cũng tốt, có thể chạy nhanh như một đoàn tàu nhỏ trên sân tập thể dục. Chị ấy hay trông em mỗi khi tan học và vào buổi tối, đôi mắt em có phần giống mắt chị ấy, lanh lợi và mạnh mẽ như hổ. Du Nhậm chưa từng nói về Du Quyên với Viên Liễu, Du Quyên cũng chưa bao giờ được nhắc đến trong nhà bố mẹ ruột, như thể cô chưa từng đến thế giới này.

Khi một người bắt đầu tò mò về nguồn gốc thân thế của mình, đó cũng là lúc phôi thai bên trong bắt đầu trưởng thành. Lần sau về Du Trang, chị sẽ dẫn em đi gặp chị cả của em nhé? Du Nhậm thấy nước mắt Viên Liễu mắt tràn ra, thế là đi tới ôm chặt Viên Liễu: “Có vài thứ tình cảm đừng nên cưỡng cầu.” Du Nhậm nói, có thể lời của chị nghe hơi khó hiểu, nhưng Tiểu Liễu, một người độc lập sống trên đời, không phải để theo đuổi những thứ vốn không thuộc về mình. Em có mẹ của em, có chị và có cả Túc Hải mà, phải không?

Khi nói lời này, Du Nhậm cũng bồn chồn nghĩ: Tình cảm giữa mình và Tiểu Tề có tính là cưỡng cầu không?

Trở về nhà, cô thu dọn tủ sách, đặt tuyển tập Maugham được Mão Sinh tặng ngày xưa sang một bên, chọn ra vài cuốn phù hợp cho Viên Liễu đọc từ số sách còn lại. Du Hiểu Mẫn gõ cửa phòng Di Nhậm, nói Chúc Triều Dương cũng đã về Trung Quốc được hai tuần, ông Chúc bố cậu ấy nói bọn trẻ nhiều năm không gặp, hay là tối nay chúng ta hẹn nhau ăn một bữa? Bạn Tả Hạc Minh cùng lớp con ngày xưa cũng về.

Du Nhậm lau gáy sách: “Mẹ, con không đi đâu, con không nói chuyện với họ.”

Du Hiểu Mẫn dài mặt ra: “Sao con học đại học mà ngốc thế nhỉ? Hồi nhỏ con vẫn khá biết cách đối nhân xử thế, sao lớn lên lại trở thành tự kỷ như vậy?”

“Mẹ cứ nói thẳng đây là mối quan hệ xã hội của mẹ là con hiểu ngay mà, có đúng không?” Du Nhậm quay lại nhìn mẹ cười, đọc được câu trả lời bất lực trên mặt Du Hiểu Mẫn: “Được, vậy con đi.”

“Ừ, người ta hỏi con muốn làm gì cũng đừng thành thật quá, vì dù gì con vẫn chưa đến lúc nộp đơn xin thi tuyển công chức.” Du Hiểu Mẫn nhắc nhở.

“Con biết.” Du Nhậm nói, “đối nhân xử thế” theo một cách nói khác chính là lắm miệng trao đổi thông tin trong vòng quan hệ rồi truyền đi một cách vô trách nhiệm, con sẽ nói rằng con vẫn chưa xác định được.

Thấy Du Hiểu Mẫn vẫn chưa đi, cô quay người nhìn mẹ mình: “Hả? Còn gì nữa? À, là người bạn trên mạng đó của con sao?”

Du Hiểu Mẫn cau mày: “Thái Thái, mẹ phát hiện con…” Du Hiểu Mẫn muốn nói “không biết xấu hổ”, nhưng vẫn kiềm chế được: “Mẹ không đồng ý, ngàn vạn lần không đồng ý.”

Du Nhậm nói con hiểu thái độ của mẹ, còn thái độ của con là con bẩm sinh đã thích con gái.

Quả nhiên đã khiến Du Hiểu Mẫn tức giận xoay người rời đi, bàn tay lau bụi của Du Nhậm khựng lại – không chỉ với Dịch Quả, ngay cả tình cảm không được thiên hạ chấp nhận cũng là cưỡng cầu sao?

Cô ngồi xuống sàn nhà nghỉ ngơi một lúc, nhớ ra trong cặp vẫn còn sách bên trong, bèn lấy cặp ra bắt đầu sắp xếp lại. Túi bên hông cặp sách phồng phồng, cô không nhớ mình đã bỏ gì vào đó, mở ra, chợt thấy một phong thư cuộn tròn, nhìn dòng chữ xấu xí, cô biết ngay đó là của Mão Sinh.

Du Nhậm mở phong thư, phát hiện bên trong là giọt ngọc bích đã đồng hành cùng mình vài năm, đã được xâu bằng một sợi dây màu đỏ tươi và được đánh bóng sáng lấp lánh. Trên mặt trước vẫn là một con rồng, mặt sau là hai chữ “Du Nhậm”, lá thư của Mão Sinh cũng nằm trong đó.

Người này, giấu giấu giếm giếm thế không biết. Du Nhậm cười mở thư ra, rất mỏng, chỉ có nửa trang. Mão Sinh nói cô ấy đã giữ giọt ngọc này bên người rất nhiều năm, chỉ luôn mong có thể đưa nó cho Du Nhậm: “Hy vọng cậu sẽ nhớ đến mình khi nhìn thấy nó, có thể tìm thấy mình khi có chuyện gì xảy ra.”

Cô nghịch giọt ngọc một lúc rồi gửi tin nhắn cho Mão Sinh: Một vật có hai công dụng, đúng là tiết kiệm.

Mão Sinh nhanh chóng đáp lại bằng một biểu tượng cảm xúc cười lớn, kèm theo dòng chữ: Suối chảy núi non, một duyên phận đẹp.

Du Nhậm nghẹt mũi, cuối cùng vẫn đeo giọt ngọc vào, cô vuốt ve vật cũ chứa đựng ý nghĩa mới này, sau đó lại giấu vào trong cổ áo.

Trên thực tế, bữa tối tụ họp không chỉ có ba gia đình, còn có hai vợ chồng thư ký Tề và bà Hà, cộng thêm một nữ khách quý. Du Hiểu Mẫn nói cô cũng không ngờ có thêm vị khách này, sau đó thì thầm nói bên tai Du Nhậm: “Đây là bạn học cấp ba của ông Tả, thành viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh, chắc là sắp chuyển đến Bách Châu.”

Du Nhậm hiểu, lúc đó mới biết nỗi khổ tâm của Du Hiểu Mẫn khi đưa mình đến.

Bạn bè tụ họp riêng tư với nhau, không ai nhắc đến việc công, dĩ nhiên tâm điểm ở đây là con trẻ. Người có con gái thành đạt nhất là bà Hà lại mặt mày kém sắc nhất, bà vừa nghe người ta khen ngợi Tề Dịch Quả vừa phải trả lời những câu hỏi dồn dập không gừng: Con gái làm việc ở thành phố nào và bệnh viện nào? Khi nào có thể tự hành nghề y? Lương lậu thế nào? Khi nào về nhà?

Bà Hà giả bộ úp úp mở mở: Ở bờ Tây, còn bệnh viện thì do giáo viên con bé giúp lên hệ, tôi không hiểu, những thứ khác còn phải xem vận may của con bé. Nhắc đến vấn đề khi nào về nhà, ánh mắt bà Hà tối sầm đi, ông Tề tiếp lời: “Tôi nói với con bé rằng nên đặt sự nghiệp nên hàng đầu, về nhà một chuyến phiền phức lắm. Đợi khi tôi về hưu, vợ chồng chúng tôi sẽ đến thăm con bé.

Nghe vậy, tim Du Nhậm đột nhiên đập mạnh, cô liếc nhìn bà Hà, phát hiện bà Hà cũng đang quan sát mình. Du Nhậm tự khắc nhìn đi chỗ khác, vô tình bắt gặp ánh mắt với người có chức vụ cao nhất trong bữa tối, người đó gật đầu cười, hiển nhiên rất có hứng thú với Du Nhậm, hỏi Du Nhậm đang học đại năm năm mấy, đang học ngành gì.

Khi biết Du Nhậm đạt điểm cao nhất thành phố trong kỳ thi tuyển sinh đại học, người cô đó nhìn Du Hiểu Mẫn bằng ánh mắt càng mang phần ngưỡng mộ hơn: “Viện trưởng Du thật tuyệt vời.”

Hai người bạn cùng tuổi khác trong bữa tối là Tả Hạc Minh và Chúc Triều Dương, họ đã trưởng thành về ngoại hình hơn, nhưng tính cách không thay đổi nhiều, Tả Hạc Minh vẫn ra dáng một thư sinh điềm tĩnh và trầm lặng, ít nói, không quá thu hút sự chú ý. Chúc Triều Dương nhìn Du Nhậm rất nhiều lần, bị người khác nhìn ra manh mối, ông bố Chúc của cậu ấy vội vàng làm mối: “Triều Dương, mau kính lãnh đạo Du Nhậm cũ của con một chén đi.”

Du Nhậm nói chú thật quá lời, nếu nói về lãnh đạo cũ, Tả Hạc Minh mới là lớp trưởng của Triều Dương và cháu ở trường Nhân Tài, chén này cháu và lớp trưởng Tả nên uống mới phải. Chỉ bằng một câu đã kéo Tả Hạc Minh thoát khỏi không gian im lặng giữa dòng người, bố mẹ Tả Hạc Minh rất vui, Du Hiểu Mẫn cũng thầm thở phào nhẹ nhõm – mặc dù tính cách con gái cô vẫn ngang ngược, nhưng vẫn hiểu các kỹ năng đối nhân xử thế cơ bản.

Ăn đến gần cuối bữa, các bậc phụ huynh hỏi các thanh niên trẻ đã lâu chưa tụ họp, có muốn ra ngoài làm một tách cà phê không? Du Nhậm và những người khác lần lượt tạm biệt mọi người, cuối cùng rời đi sớm. Ra đại sảnh nhà hàng, Chúc Triều Dương đuổi kịp bước chân của Du Nhậm: “Du Nhậm, cậu có hứng thú đi uống một cốc không?”

Tả Hạc Minh nhàn nhã đi theo bọn họ, cẩn thận quan sát quyết định của hai người.

Du Nhậm mỉm cười: “Thực ra tôi đã hẹn gặp người khác, cà phê để hôm khác uống vậy.” Kỳ thực Du Nhậm không muốn tiếp chuyện với người từng bị mình hất nước mỳ ăn liền vào người như Chúc Triều Dương. Nhưng Chúc Triều Dương tự đề cập: “Năm đó cả khoá đều biết chuyện cậu hất mỳ vào mình.”

“Đúng vậy,” Du Nhậm vẫn mỉm cười, lùi lại một bước: “Không biết tôi có còn làm cậu thấy kinh tởm nữa không?”

Cuộc tranh cãi nhỏ châm ngòi vì Chúc Triều Dương nói Du Nhậm và Bạch Mão Sinh là “kinh tởm”, do đó Du Nhậm đánh thẳng vào vấn đề. Chúc Triều Dương gãi đầu: “À, đó là vì mình… còn quá trẻ, thực ra, giữa con gái với nhau rất bình thường. Chỉ khi ở Canada mình mới nhận ra đó là tình yêu thực sự, chuyện hồi đó của cậu hoàn toàn không tính.”

Du Nhậm thoáng thấy có ánh mắt loé qua mắt Tả Hạc Minh, nói: “Thật sao? Tôi vừa gặp Bạch Mão Sinh vài ngày trước, nói với cô ấy rằng cậu cũng nợ cô ấy một bát mì.”

Chúc Triều Dương cười: “Trời ơi Du Nhậm à, coi cái miệng cậu kìa, hồi cấp 2 mình không sợ ai cả, chỉ sợ mỗi cậu.” Cậu ấy nói vậy hôm khác chúng ta hẹn nhau vậy, mình vẫn ở lại nước một thời gian nữa. Sau đó Tả Hạc Minh mới bước lên cùng, cũng đồng ý.

Quy cơ xảy ra màn come out nơi quy mô nhỏ đã được Du Nhậm lặng lẽ giải quyết, cô im lặng bước trên đường một lúc, phát hiện cơn bí bách trong lòng đang dần tích tụ. Cô còn chưa bắt đầu đi làm mà đã phải thêu dệt hình tượng của mình như may từng mảnh vá. Cô bắt đầu hiểu lời nói trong hòm của Tề Dịch Quả, không phải họ không muốn tự do thể hiện chính mình và có một cuộc sống hạnh phúc, mà là những đám mây vừa dày vừa vô hình đó luôn chất đống trên đầu họ, không biết khi nào sấm sét sẽ ập xuống.

Cuộc gọi của bà Hà đã tới, Du Nhậm đang đứng bên đường, bà Hà hỏi khi đang trốn trong sảnh nhà hàng: “Thái Thái, cháu có thể nói cho cô sự thật không? Chị Quả Quả… người yêu của con bé là cháu à?”

Du Nhậm không nói gì, bà Hà càng nóng vội hơn: “Cô tìm thấy tấm thiệp được giấu trong ngăn ô tô của con bé, chắc là kèm từ bó hoa, hôm hoa gửi đến là ngày lễ tình nhân, ký tên là ‘Thái Thái’.”

Trái tim của Du Nhậm đang kịch liệt tung hoành lẫn lộn, có một giọng nói không lý trí cứ mãi gào lên: Thừa nhận đi! Hãy làm họ tức chết đi. Như thế biết đâu cũng có thể tạo ra một con đường sống. Hãy để những đám quỷ nhập tràng trên toàn thế giới biết cô và Dịch Quả là người yêu của nhau, cô sẽ bay đi cùng Dịch Quả sau khi tốt nghiệp đại học, cho dù không học lên cũng sẽ nghĩ cách ở lại bằng được, chỉ có vậy mới được ngày đêm ở cùng nhau, trải qua cuộc sống nhỏ bé của riêng mình với Dịch Quả.

Một giọng nói khác lại nhắc nhở cô: Du Nhậm, hãy nhìn rõ vị trí của mình, ngươi phải đưa ra câu trả lời khéo léo. Rất có thể tất cả mọi thứ của ngươi sẽ được duy trì nhờ câu trả lời này, hoặc có thể bị hủy hoại chỉ trong chốc lát.

Bà Hà lải nhải đã xong, chỉ còn lại “Alo?”

“Cô,” Du Nhậm vừa mở miệng đã cảm thấy bà Hà đang nín thở: “Cháu chỉ biết một ít về chuyện của chị Tiểu Tề, tấm thiệp đó cũng là do cháu viết, cháu và chị Tiểu Tề luôn gửi hoa cho nhau vào những dịp lễ Tết. Nhưng, cháu và chị ấy không phải như cô nói. Cháu nghĩ, cô nên hỏi chị Tiểu Tề.”

Bà Hà như vừa thở phào: “Thái Thái… cô không có ý đó, chỉ là đoán bừa thôi…” Du Nhậm cúp điện thoại trước khi nghe bà Hà kịp nói hết. Cô bất lực ngồi dưới bến xe buýt, lòng nặng trĩu đến mức gần như nghẹt thở.

Lý trí thật đấy, Du Nhậm, một buổi tối trốn tránh những hai lần. Cô ôm đầu không muốn khóc thành tiếng, và cuối cùng, cô gái ngẩng đầu lên trời hét to: “Aaaa. Aaaa…”

Thế giới chết tiệt này, bản thân chết tiệt này.

……


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.