Đức Phật Và Nàng

Đức Phật Và Nàng – Chương 20



Sau khi
sắp xếp ổn thỏa nơi ăn chốn ở, tôi bắt đầu công việc khảo sát, đo đạc, vẽ tranh
ở chùa Cakra mỗi ngày. Rajiva đã căn dặn các sư sãi trong chùa, từ người giữ
công, người trông coi Phật điện, đến người quản lý tàng kinh các để tôi được tự
do tiến hành công việc của mình. Khách thập phương đến chùa Cakra, ngôi chùa
lớn nhất Tây vực thời đó sẽ bắt gặp cảnh này: một cô gái người Hán trong trang
phục Khâu Từ tay cầm một cuốn tập, dùng một thứ bút kì lạ tô tô vẽ vẽ trên cuốn
tập đó. Chốc chốc lại lôi từ trong túi ra một chiếc thước cuộn hình thù kì dị
đo chỗ này, ướm chỗ kia. Và vị sư trụ trì chùa, đại pháp sư Kumarajiva nổi danh
khắp Tây vực đã yêu cầu tất cả hòa thượng sư tăng trong chùa tạo mọi điều kiện
và không gây trở ngại cho công việc của cô gái đó.

Khi tôi
đo đạc, khi tôi vẽ tranh, tôi thường xuyên nhìn thấy Rajiva. Đây là lần đầu
tiên tôi được quan sát công việc thường ngày của cậu ấy ở trong chùa. Lúc thì
trò chuyện, đàm đạo với các đệ tử về kinh Phật, lúc thì bận rộn tiếp đón các
tăng sĩ, hòa thượng đến xin học đạo từ các quốc gia lân cận, thậm chí từ các
khu vực thuộc Trung Nguyên xa xôi. Rajiva cũng thường xuyên ra ngoài, thâm nhập
vào đời sống của quần chúng để thuyết giảng và truyền bá những giáo lý kinh văn
Đại Thừa. Giờ tụng kinh buổi sáng bắt đầu khi tôi còn say trong giấc ngủ, nhưng
bù lại tôi đã được quan sát trọn vẹn giờ tụng kinh buổi chiều của cậu ấy từ bốn
giờ đến năm giờ. Khi tiếng chuông ngân vang, tất cả sư tăng trong chùa đều đến
tập trung trên đại điện. Rajiva khoác áo cà sa, cùng chư tăng hành lễ, dâng
hương trước tượng Phật tổ, sau đó cậu ngồi vào vị trí cao nhất, bắt đầu tụng
kinh cầu nguyện. Âm thanh tiếng tụng niệm kinh văn của hàng trăm nhà sư ấy ngân
nga trầm bổng tựa sóng biển, vang vọng khắp đại điện, xen với tiếng chuông
tiếng mõ thanh thoát, trong veo. Linh hồn như được tắm gội trong biển thanh âm
thanh khiết, thoát tục ấy.

Chiếc
ba lô Northface thân thuộc của tôi đã trở về. Đồ đạc bên trong không thiếu thứ
gì, kể cả chiếc khăn lụa Atala. Nhớ đến ngày Rajiva tặng quà sinh nhật cho tôi,
nhớ đến khuôn mặt đỏ lựng đi vì xấu hổ ấy, tôi tủm tỉm cười và bất giác hứng
khởi quàng ngay chiếc khăn vào cổ. Một vài vật dụng đã thất thoát, như cuốn tập
mới tôi chưa dùng đến, hay một vài cây bút chì và một vài cục tẩy. Nhưng những
bức vẽ của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cũng không vì thế mà âu sầu, tôi đoán
Pusyseda đã lấy ra nghịch và làm gãy hoặc làm mất rồi. Sau mười năm mà vẫn có
thể tìm lại được bao nhiêu kỷ vật và chúng lại được giữ gìn cẩn thận như vậy,
tôi không mong cầu gì hơn.

Buổi
tối, Rajiva vẫn đến và chăm sóc vết thương cho tôi. Thấy tôi quàng chiếc khăn
lụa, cậu ấy thoáng ngạc nhiên, khóe môi ẩn hiện một nét cười. Rajiva đề nghị
tôi tiếp tục làm giáo viên tiếng Hán của cậu ấy. Cuốn sách đầu tiên mà cậu ấy
muốn tôi giảng là cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên. Thế là tôi bắt đầu khởi động
chương trình “Trăm nhà thuyết giảng” với những câu chuyện thần thoại thời
thượng cổ, những sự tích về Tam Hoàng Ngũ Đế. Tôi vốn là người rất yêu thích
công việc giảng dạy. Vì học chuyên ngành lịch sử, tôi thường đến các Viện bảo
tàng xin làm hướng dẫn viên du lịch “không lương”. Tôi cảm thấy rất phấn chấn
mỗi khi du khách say mê lắng nghe những câu chuyện tôi kể.

Trước
mặt tôi lúc này tuy chỉ có một thính giả, nhưng trình độ học thức của vị thình
giả này lại rất cao. Vị thính giả ấy đang tập trung tinh thần cao độ để lắng
nghe và liên tục gật đầu tán thưởng. Tôi cảm thấy như mình đang trở lại khoảng
thời gian làm gia sư mấy tháng trước đó, chỉ khác là, tuy học trò không thay
đổi, nhưng thời gian đã trải qua mười năm đằng đẵng. Giờ đây, tôi không thể cốc
vào đầu cậu ấy, cũng không thể làm bộ nghiêm khắc, lên lớp với cậu ấy được nữa.
Tình hình trở nên tệ hơn, vì cô giáo thường xuyên nhìn trộm gương mặt điển trai
hệt như bức tượng điêu khắc trong thần thoại Hy Lạp của học sinh, sức lôi cuốn
của vẻ đẹp ấy khiến cô giáo mất tập trung, ánh mắt cứ vân du tận chốn nao và
giọng nói trở nên nhỏ nhẹ đến mơ hồ. Mất một lúc mới kịp lấy lại tinh thần, mặt
đỏ như gấc chín, vờ uống nước, vờ hắng giọng, vờ tìm quạt, vờ đi vệ sinh, vân
vân và vân vân các phương thức chữa thẹn.

Ở chùa
Cakra, tôi từng được chứng kiến Rajiva chủ trì một ngày hội cầu nguyện Phật
Quan Âm. Tên gọi Quan Âm Bồ Tát được dịch ý từ tiếng Phạn, lẽ ra phải dịch
thành Quan Tự Tại, nhưng sau khi truyền vào Trung Nguyên, người Hán đã đọc sai
thành Quan Thế Âm. Thời nhà Đường, vì không muốn phạm húy khi có âm đọc trùng
với tên vua Lý Thế Dân, triều đình đã hạ lệnh lược bỏ chữ “Thế”, nên tên Bồ Tát
chỉ còn là Quan Âm. Tôi vốn không hề biết đây chính là ngày hội cầu nguyện Quan
Âm Bồ Tát mà sau này đã được truyền bá rộng rãi tại Trung Nguyên, vì tên tiếng
Phạn của Quan Âm rất khó nhớ. Nhưng khi nhìn thấy pho tượng Quan Âm thì tôi đã
hiểu ra. Vào thời kỳ này, Quan Âm Bồ Tát không phải là hình tượng một vị Phật
nữ giàu lòng từ bi mà chúng ta thường gặp, mà là một vị Phật nam uy nghiêm với
hai vành râu rất đẹp, giống hệt hình ảnh trên những bức bích họa ở Mạc Cao, Đôn
Hoàng và hình ảnh điêu khắc về Phật giáo thời kỳ Nam Bắc triều. Trước thời nhà
Đường, Phật Quan Âm mang hình tượng của một vị Phật nam. Nhưng vì Quan Âm đi
chu du khắp nơi, ngài thường cứu vớt chúng sinh bằng những phép thuật khéo léo
tài tình và ngài còn có thể ban tặng con cái cho chúng sinh, nên có lẽ hình
tượng Phật nữ phù hợp với ngài hơn chăng?

Lễ hội
kéo dài bảy ngày và vì là lễ hội cầu nguyện cho mọi chúng sinh nên ai cũng có
thể tham gia. Phật tử viết tên người thân đã qua đời của mình lên một thẻ gỗ,
rồi trao cho vị sư phụ trách tiếp nhận để đặt lên hương án trước ban thờ Phật.
Rajiva cùng các Phật tử đặt hoa và dâng hương lên bàn thờ Quan Âm, sau đó chắp
tay quỳ xuống vái ba vái, mỗi động tác, cử chỉ đều rất mực từ tốn, nho nhã,
thanh thoát. Rồi cậu ngồi trên bục cao, khẽ lắc chiếc chuông đồng trên tay, âm
thanh giòn giã trong trẻo vang xa, bỗng chốc, cả đại điện trở nên yên ắng lạ
thường.

Rajiva
đưa mắt quan sát một lượt, vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng ngời và gương mặt
đức độ dạo qua tất cả mọi người, trong khói hương nghi ngút, hình ảnh của
Rajiva tựa như một vị tiên hạ phàm. Khi cậu cất tiếng, âm thanh như có sức mạnh
thấu suốt, vang động mãi trong không gian thánh khiết.

Tự giác
ngộ và giải thoát là biểu hiện của trí tuệ sáng suốt, giúp người giác ngộ và
giải thoát là biểu hiện của lòng từ bi hỉ xả. Quan Thế Âm Bồ Tát với trí tuệ
sáng suốt và tấm lòng đại từ đại bi luôn dõi theo chúng sinh. Ngài ban phát
những lời răn và sự giúp đỡ dựa trên năng lực, phẩm hạnh và mong muốn không
giống nhau của mỗi người. Từ đó, giúp chúng sinh vơi bớt thống khổ, giúp niềm
hân hoan được nhân lên, giúp con người sống cuộc đời tự do tự tại, không phiền
muộn, ưu sầu.

Chúng
tăng quỳ rạp bái lạy, đồng thanh niệm đọc A di đà Phật. Những người dân đứng
bên cạnh tôi cũng quỳ xuống bái lạy, tôi vội vàng học theo. Tiếp đó, Rajiva đọc
một câu kinh, sư tăng trong đại điện cất giọng đọc theo, biển thanh âm thành
kính, từ tâm ấy ngân vang, bay lên cao như lay động cả trời xanh.

Ngày
hôm đó, chùa Cakra phát lộc cho mọi thiện nam tín nữ đến chùa. Rajiva đích thân
chia lộc và ban phước cho mọi người. Hàng ngũ kéo dài đến tận cổng chính của
chùa. Tôi len lỏi từng chút một để nhích dần lên phía trước và không ngừng
nghển cổ ngóng trông. Rajiva miệng niệm A di đà Phật, tay chắp lại kính cẩn,
phân phát từng phần lộc đã được gói bọc cẩn thận cho từng người, tay cầm cây
trượng dài được khắc chạm tinh xảo gõ nhẹ lên đầu mỗi người cầu phúc cho họ. Ai
nấy đều tươi cười mãn nguyện. Xếp hàng hai tiếng mới đến lượt tôi, bụng đói cồn
cào. Nhìn thấy tôi, Rajiva thoáng vẻ ngạc nhiên, đáy mắt gợn nhẹ một ánh cười,
quay sang nói nhỏ với đệ tử bên cạnh đôi câu. Rồi đặt lễ lên tay tôi, tôi mỉm
cười chắp tay đáp lễ, cúi đầu nhận lời cầu phúc. Một vật gì đó chạm nhẹ trên
đầu, mùi gỗ đàn hương tỏa khắp không gian, ngẩng đầu nhìn Rajiva, trên gương
mặt ấy là vẻ an nhiên tự tại và khí chất thanh tao không thuộc về thế giới trần
tục, bỗng tôi thấy tim mình đập mạnh. Đang định rảo bước thì vị sư khi nãy chạy
tới trao cho Rajiva một chùm nho. Rajiva tươi cười đón lấy, đặt vào tay tôi.
Nho là hoa quả phổ biến nhất ở Khâu Từ nên rất rẻ. Tôi len lén nhìn quanh, thấy
không ai có phản ứng bất mãn nào với phần quà đặc biệt dành cho mình, liền vội
vàng cúi đầu nhận lộc và nhanh chân bước đi.

Chùm
nho ấy tôi không nỡ ăn, tôi lấy một tờ giấy bọc lại cẩn thận rồi cất vào trong
ba lô. Buổi tối khi trở về, Rajiva có vẻ mệt mỏi, nhưng tinh thần rất phấn chấn
và vui vẻ. Cậu ấy cả ngày không ăn uống gì, lại phải ở đó phát lộc và cầu phúc
cho mọi người bốn tiếng đồng hồ liền, tôi thấy thương, vội lôi từ trong ba lô
chùm nho để dành ra, nhưng ngập ngừng chưa biết phải thuyết phục cậu ấy như thế
nào.

Rajiva
chăm chú quan sát từng động tác của tôi. Khi thấy tôi bóc lớp vỏ bọc và chìa
chùm nho ra trước mặt, cậu hơi ngạc nhiên. Không chờ tôi mở lời, cậu đón lấy,
ngắt một quả bỏ vào miệng, nhìn tôi cười:

– Ngọt
lắm!

Tôi
sững người trong giây lát, rồi cũng ngắt một quả thưởng thức, đúng là rất ngọt,
ngọt hơn bất cứ loại nho nào tôi từng ăn…

Chúng
tôi ngồi đối diện và cùng thưởng thức chùm nho ấy. Đột nhiên, nhớ đến một câu
nói vui: Ăn nho nhớ bỏ vỏ nho đó![9] Tôi phì cười, muốn dạy
lại cho Rajiva. Tiếng Hán của cậu ấy chịu ảnh hưởng khẩu âm Khâu Từ nên phát âm
không chuẩn, mấy lần bị líu lưỡi, làm tôi cười ngất. Không khí vui vẻ ấy khiến
tôi bồi hồi, giá như, giá như thời gian ngưng đọng trong giây phút này…

Những
ngày diễn ra lễ hội cầu nguyện, Rajiva rất mệt mỏi, nhưng vẫn kiên trì đến chỗ
tôi. Tôi tạm ngừng việc giảng bài và nghĩ cách để cậu ấy được nghỉ ngơi, thư
giãn. Đôi lúc rất muốn massage cho cậu ấy, nhưng tất nhiên chỉ dám nghĩ trong
đầu. Buổi tối ngày cuối cùng, cả ngôi chùa rực rỡ ánh sáng. Trên tay mỗi người
đều có một cây đèn nhỏ. Rajiva đến trước tượng Phật tổ, khấu đầu vái lạy, rồi
thắp sáng ngọn đèn trong tay mình. Rồi lần lượt các tăng sư sắp xếp theo phẩm
giới từ cao xuống thấp, người phía sau đón ánh lửa từ ngọn đèn của người phía
trước để thắp sáng ngọn đèn trên tay mình. Phút chốc, cả đại điện lung linh rực
rỡ. Tôi cũng thắp sáng ngọn đèn của mình, cảm giác như ánh sáng ấy có thể chiếu
rọi cả cõi tâm linh. Trong không khí linh thiêng ấy, Rajiva tựa như một vị
thánh với hào quang tỏa sáng, thần tuệ siêu phàm, dẫn dắt cả nghìn người cầu
nguyện, rồi thả từng thẻ gỗ có ghi tên những người đã khuất vào trong đống lửa.
Âm thanh tụng niệm vang vọng, bay lượn trong không gian và rót vào tai tôi.
Khung cảnh này, cảm xúc này khiến tôi cảm động tưởng như có thể bật khóc.

Lễ hội
kết thúc đã nhiều ngày rồi, vậy mà tôi vẫn không ngừng hồi tưởng về bầu không
khí tâm linh trang nghiêm hôm đó, thêm một lần nữa tôi đã lĩnh hội được sức
mạnh tinh thần lớn lao của tôn giáo. Có lẽ vì thế chăng mà ngay từ khi loài
người xuất hiện, tôn giáo cũng theo đó ra đời. Và tôi tin rằng, tôn giáo sẽ
tiếp tục tồn tại trường tồn cùng với sự tồn tại của con người và chỉ biến mất
khi loài người diệt vong. Ai cũng có nhu cầu ký thác tâm nguyện, nhất là khi
phải trải qua những khổ nạn. Phật giáo đã bắt rễ rất sâu và lưu truyền rộng rãi
ở Trung Nguyên vào thời kỳ Nam Bắc triều, bởi vì đó là một giai đoạn lịch sử
thảm khốc. Khi tôi nói với Rajiva về suy nghĩ và cảm nhận đó, cậu ấy mỉm cười
đồng tình. Phần lớn kinh văn Phật giáo tôi đều không thuộc, tôi chỉ có thể thảo
luận với cậu ấy về tôn giáo dưới góc độ lịch sử và triết học mà thôi. Có đôi
lúc, cậu ấy không lí giải nổi những điều tôi nói, nhưng chỉ trong giây lát, tư
duy thần tốc đã cho cậu ấy câu trả lời trọn vẹn. Khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi
buổi tối trôi qua trong chớp mắt. Tới khi nhận ra đã đến giờ cậu ấy phải về
chùa, tôi không khỏi ấm ức, vì sao học thuyết tương đối của Einstein lại đúng
tuyệt đối kia chứ!

Tôi
tiếp tục công việc khảo sát và vẽ tranh trong chùa. Có lúc, tôi đang ngồi xếp
bằng bên ngoài đại diện để đo đạc, thì cậu ấy bước vào trong trò chuyện với các
đệ tử. Khi tôi ngồi trong đại điện họa lại những bức vẽ trên tường, thì cậu ấy
dẫn theo một số hòa thượng vào điện thuyết pháp, không quên ra hiệu cho tôi
tiếp tục công việc của mình, đừng để ý đến họ. Khi tôi kiễng chân lên đo chiều cao
của ngôi tháp, sẽ có một bóng người cao gầy bước đến cầm lấy chiếc thước cuộn,
che trên đầu tôi. Khi tôi khát nước, lập tức sẽ có một chú tiểu mang nước đến
cho tôi, sau đó sẽ thấy bóng chiếc áo cà sa màu nâu sòng thân thuộc lướt qua
bậc cửa…

Không thể
tiếp tục như vậy! Giờ đây mỗi lần nhìn thấy Rajiva, trái tim tôi lại đập rộn
ràng một cách khó hiểu. Ngày nào không thấy cậu ấy, tôi như người mất hồn,
không thể tập trung làm được việc gì cả. Buổi tối, khi gối đầu trên chiếc gối
của cậu ấy, đắp lên mình tấm chăn của cậu ấy, một niềm vui bất trị cứ trào dâng
trong tôi. Lúc đến chùa Cakra, tay tôi cầm bút nhưng mắt tôi không ngừng dõi
theo từng bước chân của cậu ấy, cho đến khi Rajiva ngước lên và mỉm cười với
tôi. Tôi biết rất rõ những biểu hiện ấy có nghĩa là gì. Nếu tôi vẫn tiếp tục
ngắm nhìn gương mặt ấy, tiếp tục lắng nghe giọng nói của của cậu ấy, tôi sẽ sa
vào “vòng trầm luân”, không thoát ra được và cũng không muốn thoát ra. Nhưng,
Ngài Tình ơi, cô có thể có tình cảm với bất cứ ai, nhưng không được có tình cảm
với cậu ấy. Cậu ấy không phải là tách trà cô uống mỗi ngày. Giữa cô và cậu ấy
là khoảng cách 1650 năm thời gian. Và điều quan trọng nhất là: cậu ấy mãi mãi
là một hòa thượng, còn cô, sớm muộn cũng phải quay trở về thế kỷ XXI của mình.

Vậy nên,
sau hai tháng trời kéo lê, công việc khảo sát ở chùa Cakra của tôi không thể
không kết thúc. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi cũng quyết định sẽ nói với cậu ấy
về dự định của mình vào buổi học tiếp theo.

Hôm đó,
tôi giảng giải cho Rajiva quyển thứ sáu mươi mốt trong tập “Sử ký” của Tư Mã
Thiên có tên gọi – Bá Di liệt truyện. Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm
xấu hổ, thề không ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi hái rau dại ăn qua bữa, nhưng rau
dại không thể nuôi sống con người, nên cuối cùng hai ông đã bị chết đói tại núi
Thú Dương. Dưới ngòi bút của Thái Sử Công Tư Mã Thiên, lòng trung thành và phẩm
hạnh cao khiết lẫm liệt ấy đã được đánh giá rất cao. Phần truyện kể về Bá Di,
Thúc Tề rất ngắn gọn súc tích, nhưng nội dung chính lại nằm trong đoạn Thái Sử
Công bày tỏ những suy cảm của riêng mình.

– Thế
nhưng, chúng ta có nên học theo hành động “ngu trung” đó của Bá Di và Thúc Tề
hay không? Khi ấy, thiên hạ đã thuộc về nhà Chu, họ thề không ăn thóc nhà Chu,
bỏ lên núi hái rau dại, nhưng rau dại ấy vẫn là rau dại của nhà Chu, họ sống
trên núi Thú Dương thuộc lãnh thổ của nhà Chu và sau khi họ chết, chính người
nhà Chu đã an táng cho họ.

Tôi thở
dài:

– Ai rồi
cũng phải đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc đời và trước mỗi khó
khăn thử thách ấy, mỗi người đều phải đưa ra lựa chọn và quyết định của riêng
mình. Sẽ nhẫn nhục tiếp tục sống hay học theo Bá Di, Thúc Tề thà chết đói chứ
nhất định không chịu nhục. Nếu là tôi, tôi sẽ chọn cách tiếp tục sống. Bởi vì
chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được lý tưởng của mình. Vậy còn
những lời phán xét của người đời sau thì sao? Tôi đã thành người thiên cổ rồi
thì còn để tâm đến điều đó làm gì nữa!

Tôi
lặng ngắm Rajiva và bâng khuâng nghĩ đến khúc ngoặt trên hành trình số mệnh của
cậu ấy mười một năm sau. Khi ấy, chắc hẳn cậu ấy đã phải chịu những nỗi dằn vặt
đau đớn đến đứt từng khúc ruột?

– Vì vậy,
Rajiva ạ, nếu sau này gặp phải khó khăn hay trở ngại, cậu hãy nghĩ đến lý tưởng
lớn lao của mình, lấy đó làm động lực tiếp tục sống.

Mười
một năm sau, tôi sẽ không xuất hiện, nên chỉ có thể đưa ra lời khuyên như vậy
với cậu ấy.

– Viết
sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng khốn dùng để truyền đạt chí
hướng và suy cảm của mình. Xưa Tây Bá (tức Chu Văn Vương) bị tù ở Dũ Lí nên
diễn giải Chu dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Sài nên viết Xuân Thu;
Khuất Nguyên bị đuổi nên viết Ly Tao; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn
cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lăm;
Hàn Phi bị tù ở Tần làm nên những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở
“Kinh thi” phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày nỗi phẫn uất. Những
người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc
xưa mà lo truyền lại người sau.

Rajiva
nhìn tôi, mượn lời của Thái Sử Công đáp lời tôi.

Chúng
tôi cứ thế nhìn sâu vào mắt nhau, mặc cho không gian xung quanh trở nên tĩnh
lặng thất thường, giữa chúng tôi là bầu không khí khó đặt tên. Gương mặt Rajiva
hiện dần sắc đỏ, cậu đột nhiên quay đi. Vẻ mặt mà tôi nhìn thấy là sự đan xen
của rất nhiều xúc cảm: một chút khó xử, một chút buồn và một chút… hối hận.

Rajiva,
thực ra cậu đâu cần tôi dạy. Đoạn sử “Thái Sử Công tự thuật” cậu vừa đọc nằm
trong chương cuối của bộ Sử ký. Tôi tin rằng, nếu yêu cầu cậu đọc thuộc cả bộ
Sử ký này, cậu cũng có thể làm được. Vậy thì vì sao cậu vẫn muốn tôi lên lớp?
Trái tim tôi bỗng đập nhanh dữ dội, tưởng như có thể nhảy ra khỏi lồng ngực.
Tôi có thể suy luận ra được, là vì cậu muốn được gặp tôi mỗi ngày, nên mới vờ
như chưa từng đọc “Sử ký”, đúng không? Nhưng mà… nhưng mà…

Tôi
nhắm nghiền mắt lại, cố sức kìm chế nhịp đập gấp gáp, vất vả của trái tim và
nói với cậu ấy bằng sự bình tĩnh lớn nhất mà tôi có được:

– Ngày
mai tôi không đến chùa Cakra nữa, tôi đã vẽ xong rồi. Cậu biết phải tìm đoàn
thương nhân đi Trường An ở đâu không? Nếu cậu không biết, tôi tự tìm hiểu cũng
được.

Trầm tư
trong giây lát, Rajiva hỏi tôi:

– Lúc này
Trung Nguyên đang trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh liên miên, người Hán và
người Hồ ra sức tàn sát lẫn nhau. Cô một mình thân gái dặm trường, vì sao cứ
nhất định phải đến nơi nguy hiểm ấy? Khâu Từ tuy chỉ là một quốc gia bé nhỏ,
nhưng dù sao vẫn an toàn hơn nơi đó rất nhiều. Chi bằng…

– Rajiva…

Tôi khẽ
ngắt lời cậu ấy.

– Lý
tưởng của cậu là cứu độ cho mọi chúng sinh thoát khổ. Để hoàn thành lý tưởng
này, cậu sẵn sàng đến Trung Nguyên, dấn thân vào chốn binh đao khói lửa đó chứ?

– Tất
nhiên là tôi sẵn sàng.

– Tôi
cũng vậy.

Tôi
ngắm nhìn cuốn “Sử ký” vốn là tâm huyết một đời của Thái Sử Công.

– Tôi
cũng có lý tưởng của mình. Tôi từng nói với cậu, ước nguyện của tôi là viết nên
một cuốn sách sử, ghi lại những sự kiện lịch sử chân thực, trả lại cho lịch sử
tính xác thực vốn có.

Ngũ Hồ
Loạn Hoa là thời đại lịch sử bi thảm nhất của người Hán. Cha con Thạch Hổ nước
Hậu Triệu lấy việc giết hại người Hán làm thú vui, chỉ trong vòng hai mươi năm
đã giết hại mấy mươi vạn người.

Nhiễm
Mẫn diệt Triệu, ban lệnh tàn sát người Hồ, phàm những người có dung mạo giống
người Hồ là thẳng tay giết chết không tha. Chỉ trong một năm, đã giết hại hơn
hai mươi vạn người Hồ. Phương bắc Trung Quốc, trong vòng hơn hai mươi năm,
xương trắng đầy đồng, xác người chất cao thành núi, tiếng than khóc dậy trời.
Nếu là thời đại đó, có cho tôi đem theo vũ khí hạt nhân, tôi cũng không dám đi.
May thay đó là giai đoạn khi Rajiva vừa chào đời. Tình hình Trung Nguyên hiện
nay, nhà Tiền Tần đã lấy được vùng Lương Châu và Liêu Đông, cơ bản thống nhất
được phương bắc. Và Phù Kiên là vị vua mà tôi ngưỡng mộ nhất trong thời kỳ Thập
lục quốc. Tôi rất mong muốn được đến tham quan nước Tiền Tần do ngài cai trị
hiện nay, bởi vì sau mười năm nữa, với thất bại thảm hại ở trận Phì Thủy, nhà
Tiền Tần của ngài đã nhanh chóng suy yếu và tan rã, phương bắc lại tiếp tục rơi
vào cuộc tranh đoạt thảm khốc của các thế lực ly khai.

Tôi
nhìn Rajiva, thầm hy vọng ánh mắt kiên định của mình sẽ nói lên điều gì đó. Cậu
ấy nhìn tôi, rồi lại ngoảnh mặt đi hướng khác, ánh mắt lạc lõng thả trên ngọn
đèn dầu lập lòa, giọng nói nhẹ như hơi thở:

– Tôi sẽ
sắp xếp cho cô.

Tôi
tiếp tục giảng bài, Rajiva tiếp tục lắng nghe. Cứ xem như tôi không hiểu tâm
trạng của cậu ấy. Cứ vờ như thế đi, tiếp tục làm ngơ đi…

Kết
thúc buổi học, như thường ngày, Rajiva lặng lẽ ra về. Tôi đang định thở phào
một tiếng, chợt cánh cửa phòng lại mở ra.

– Cô còn
nhớ Thiên Phật động Kizil không?

Vẫn
dáng vẻ bình thản thường thấy đó.

– Sau
mười năm kể từ ngày cô nói ở đó sẽ có một ngôi chùa hang đá, đến nay đã có hơn
mười hang động lớn nhỏ được xây dựng rồi đó.

– Bảy
ngày sau tôi sẽ tới đó lễ Phật.

Rajiva
nhìn tôi, mắt sáng long lanh.

– Cô có
muốn đi không?

Tôi…
tôi… tôi muốn chứ! Cậu ấy hiểu rõ điều gì có thể hấp dẫn tôi. Nếu đến đó, tôi
sẽ xác định thời gian và trình tự xây dựng các hang đá của ngôi chùa vĩ đại ấy
và còn có thể phác họa lại những bức vẽ tuyệt đẹp trên tường mà về sau đã bị
phá hoại nặng nề. Những tài liệu này sẽ là những tài liệu lịch sử vô cùng quý
giá. Tôi không kháng cự nổi sức hấp dẫn này. Trì hoãn thêm vài ngày có lẽ không
vấn đề gì. Có lẽ tôi vẫn còn đủ thời gian.

Thấy
tôi gật đầu, Rajiva tươi cười.

– Bảy
ngày sau chúng ta sẽ lên đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.